Visa Nhật Bản, hay còn gọi là thị thực Nhật Bản, là “giấy thông hành” của Chính phủ Nhật Bản cấp cho công dân nước ngoài, cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản trong một thời gian nhất định với mục đích rõ ràng.
Visa du lịch Nhật Bản có 2 loại:
1/ Visa du lịch Nhật Bản tự túc: Đây là loại visa cho phép tham gia các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí,... tại Nhật Bản và không bao gồm thăm viếng người quen, thương mại.
2/ Visa du lịch Nhật Bản theo đoàn (tour): Loại visa này dành cho khách Việt Nam có hộ chiếu phổ thông, tham gia các tour du lịch Nhật Bản được tổ chức bởi các công ty du lịch nằm trong danh sách được chỉ định.
Điều kiện xin visa du lịch Nhật Bản là gì?
Về nguyên tắc, người xin visa đi du lịch Nhật Bản sẽ được cấp nếu đạt được tất cả các điều kiện dưới đây và được nhận định rằng việc cấp visa là thích hợp. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn cơ bản thì sẽ bị từ chối hoặc dừng xét duyệt.
Điều kiện để cấp visa du lịch Nhật Bản cho bạn tham khảo như sau:
Người xin visa du lịch Nhật Bản 2023 phải có hộ chiếu còn hiệu lực và phải đảm bảo quyền lợi, tư cách quay trở lại nước xuất phát hoặc tái nhập quốc lại nước đang cư trú.
Hồ sơ trình nộp để xin cấp visa phải đúng và chính xác.
Hoạt động tại Nhật Bản của người xin cấp visa hoặc nhân thân hay vị trí của người xin cấp visa và thời hạn lưu trú của người xin visa phải phù hợp với tư cách lưu trú và thời hạn lưu trú được quy định trong Luật Quản lý xuất nhập cảnh và chấp nhận tị nạn (Điều lệ hành chính số 319 năm 1951. Sau đây gọi là “Luật xuất nhập cảnh”).
Người xin visa không tương ứng với các mục của Khoản 1 Điều 5 Luật xuất nhập cảnh.
Visa du lịch Nhật Bản cho phép bạn được ở lại tối đa bao nhiêu ngày?
Thông thường visa du lịch Nhật Bản là loại visa ngắn hạn, có thời hạn tối đa 90 ngày. Loại visa này có giá trị 1 lần nhập cảnh, với thời gian lưu trú tối đa là 15 ngày
Trong trường hợp bạn từng đến Nhật Bản liên tục trong 3 năm gần nhất hoặc sở hữu visa của các nước phát triển như Mỹ, Anh, visa Schengen,…lại có tài chính mạnh và lịch sử đi lại rõ ràng bạn sẽ được xem xét cấp visa du lịch nhiều lần với thời hạn tối đa từ 1-5 năm và thời gian lưu trú tối đa mỗi lần là 30 ngày.
Xin visa du lịch Nhật Bản có khó không?
Đại sứ quán tại Hà Nội xử lý tất cả hồ sơ có nơi sinh trên hộ chiếu từ Gia Lai, Bình Định trở ra Bắc. Chính sách xét duyệt chỉ khó hơn Hàn Quốc đôi chút. Thỉnh thoảng có những đợt trong năm, Đại sứ quán xiết chặt một chút xíu. Nhưng cơ bản, Đại sứ quán xét dễ hơn Lãnh sự trong Sài Gòn nhiều. Trường hợp này mình khuyến khích các bạn chuẩn bị hồ sơ kỹ và tự nộp.
Tổng lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh xử lý hồ sơ có nơi sinh từ Đắk Lắk, Phú Yên trở vào Nam. Bạn nộp qua đâu thì hồ sơ cũng chuyển về đây xử lý. Và xin chia buồn, tỷ lệ đậu 100% là hên xui và không phụ thuộc hồ sơ của bạn đâu. Mình đã từng trao đổi với người có chức vụ rất cao, người có tài chính mạnh, người có lịch sử du lịch hầu hết các nước G7 và cả người đi Nhật như cơm bữa “rớt”.
Hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản cần những giấy tờ gì?
Tờ khai để làm thủ tục xin visa du lịch Nhật được điền bằng tiếng Anh. Các giấy tờ khác trong hồ sơ xin visa Nhật Bản sẽ được chấp nhận là bản tiếng Việt, không bắt buộc phải dịch thuật. Tuy nhiên, giấy tờ dịch thuật sẽ được đánh giá cao và tăng hiệu quả xét duyệt.
Tài liệu chứng minh nhân thân:
Hộ chiếu còn thời hạn tối thiểu 6 tháng, và hộ chiếu yêu cầu bản gốc.
Tờ khai xin visa điền đầy đủ thông tin và dán sẵn ảnh thẻ 4.5cm×3.5cm.
Phần cuối của tờ khai, người xin visa phải ký tên trùng với chữ ký trên hộ chiếu.
Bổ sung 02 ảnh thẻ kích thước 4,5x3,5cm, mặt sau ảnh phải ghi rõ họ tên.
Hồ sơ sẽ không được tiếp nhận nếu ảnh thẻ có can thiệp photoshop.
Mặt sau hồ sơ cần xử lý trên máy, Đại sứ quán đề nghị không dập ghim.
Nếu xin visa theo nhóm: Cung cấp tài liệu chứng minh mối quan hệ giữa những người xin visa với nhau. Đó có thể là:
Quan hệ họ hàng: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, bản sao sổ hộ khẩu,…
Quan hệ bạn bè: Ảnh chụp chung (rõ mặt, ảnh không đội mũ, không đeo kính).
Giấy tờ khác: Cung cấp giấy tờ khác có thể chứng minh mối quan hệ như đoạn tin nhắn qua lại, fax, email,…
Nếu nhóm nộp hồ sơ xin visa Nhật Bản từ 3 người trở lên cần nộp kèm thư giải trình để Cơ quan thẩm quyền nắm bắt được mối quan hệ giữa người xin visa. Trước khi nộp tờ khai, bạn phải làm rõ mối quan hệ của tất cả những người xin visa.
Tài liệu chứng minh tài chính:
Các giấy tờ chứng minh tài chính yêu cầu cung cấp bản gốc, những giấy tờ đó bao gồm:
Sao kê tài tài khoản trả lương (06 tháng gần nhất)
Chứng nhận tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn
Giấy chứng nhận thu nhập do cơ quan nhà nước cấp
Khi làm thủ tục xin visa Nhật, hãy nộp bản sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng.
Trường hợp tiền lương được trả qua tài khoản ngân hàng, hãy đánh dấu bằng bút màu để làm rõ khoản tiền nào là khoản tiền lương.
Tài liệu chứng minh công việc:
Ở mục này, tài liệu chứng minh công việc khác nhau tùy vào đối tượng xin visa Nhật Bản là ai. Bạn có thể tham khảo các đối tượng và chuẩn bị hồ sơ phù hợp:
Đối với công nhân, viên chức: Hợp đồng lao động hoặc giấy bổ nhiệm chức vụ, sao kê bảng lương ngân hàng 3 tháng gần đây, bảo hiểm xã hội/ bảo hiểm y tế và giấy xin nghỉ phép đi du lịch Nhật Bản có chữ ký, đóng dấu mộc của công ty.
Đối với chủ doanh nghiệp: Giấy đăng ký kinh doanh, xác nhận đã thanh toán thuế trong 6 tháng gần đây và các chứng từ chứng minh doanh nghiệp kinh doanh sinh lời.
Tài liệu lịch trình chuyến đi:
Giấy tờ đặt vé máy bay khứ hồi đi Nhật Bản; đặt phòng khách sạn lưu trú tại Nhật Bản. Hãy điền cụ thể nơi sẽ nghỉ lại (trường hợp khách sạn ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại).
Khi chưa được cấp visa Nhật Bản, bạn không nên mua vé máy bay khứ hồi đã thanh toán. Thay vào đó, bạn có thể cung cấp hành trình bay, đây là văn bản ghi thông tin ngày khởi hành/ nơi đến, thời gian, họ tên, điểm xuất phát/ đến đâu… Bắt buộc phải điền ngày nhập cảnh, ngày về nước. Tên chuyến bay và sân bay xuất nhập cảnh nếu đã quyết định đi Nhật.
Văn bản kế hoạch, lịch trình chuyến du lịch từng ngày tại Nhật Bản (yêu cầu bản gốc). Lịch trình cần viết theo từng ngày. Không chỉ ghi tên thành phố như Kyoto, Tokyo, Nagasaki,… mà bạn cần điền cụ thể từng địa điểm và nội dung hoạt động thực tế.