Các thực phẩm phương Tây như ngũ cốc, bánh mì nướng, kẹo ngũ cốc du nhập và nhanh chóng thịnh hành ở châu Á. Tuy nhiên, những món ăn sáng truyền thống vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên của phần lớn người dân châu lục này. Ẩm thực Việt Nam luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của du khách và truyền thông quốc tế. Mới đây nhất, có 3 món ăn Việt đã được nhắc tên trong bài vinh danh trên South China Morning Post (SCMP) - tờ báo tiếng Anh uy tín bậc nhất Hồng Kông về những món ăn sáng ngon nhất châu Á.
1. Bánh mì
Bánh mì được giới thiệu là bữa ăn nhanh ưa chuộng ở Việt Nam. Món ăn này không còn xa lạ với người Việt và thực khách quốc tế. Đi bất cứ đâu dọc dải đất chữ S, bạn cũng sẽ tìm mua được bánh mì. Bánh được bán trong cửa tiệm lớn và trên cả những xe đẩy nhỏ đường phố.
Từ những năm đầu của thế kỷ 19, bánh mì được du nhập vào Việt Nam theo những đội quân Viễn Chinh của Pháp. Với người Pháp, đây là món ăn quen thuộc, không thể thiếu như bát cơm đối với người Việt chúng ta. Do lúa mì thời đó nhập khẩu khó khăn, giá thành cao, bánh mì trở thành món ăn xa xỉ chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Ban đầu, cửa hàng chủ yếu phục vụ người bản xứ với thịt nguội và bánh mì được bày trên đĩa cùng dao dĩa. Sau đó, họ nghĩa ra cách kẹp thịt, chả lụa, pate,… vào giữa ổ bánh mì để người mua tiện mang theo. Cùng với sự tiện lợi này, các cửa hàng bánh mì cũng xuất hiện khắp Sài Gòn rồi lan ra các tỉnh khác khắp ba miền, được cải biên để làm vừa lòng đa dạng thực khách: ruột ngày một xốp và mỏng, vỏ ngày càng dày lên, kích cỡ bánh cũng nhỏ lại gấp 2 – 3 lần để tiện mang đi.
SCMP mô tả bánh mì Viêt Nam như "quả bom hương vị". Chiếc bánh mì thông thường được làm từ các nguyên liệu quen thuộc như chả lụa, rau mùi, dưa leo, cà rốt ngâm chua, củ kiệu ngâm chua, pate và sốt mayonnaise. Các món bổ sung có thể bao gồm thịt băm, phô mai, trứng và nước sốt cay.
2. Phở
Ngoài bánh mì, phở cũng là món ăn sáng phổ biến ở Việt Nam. Phở thường được kết hợp cùng thịt bò hoặc gà. Trong đó, phở bò là lựa chọn phổ biến, được nhiều người yêu thích và từng vào danh sách món súp ngon nhất thế giới. Bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam, xâm nhập vào miền Trung và miền Nam giữa thập niên 1950, sau sự thất bại của Pháp ở Đông Dương và Việt Nam bị chia thành hai miền. Người Việt Nam ở phía bắc di cư vào miền Nam năm 1954 mang theo món phở và phở đã bắt đầu có những sự khác biệt.. Du vậy, có một quy luật chung là tên của các tiệm phở gia truyền bao giờ cũng chỉ có một từ, thường là tên của người chủ, như: phở Hòa, phở Quyền…
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò cắt lát mỏng. Trước đây, chỉ có phở bò chín với đầy đủ "chín-bắp-nạm-gầu", về sau, thực khách chấp nhận cả phở tái, phở gà, phở heo, phở tôm... Đi xa hơn, có nhà hàng thử nghiệm với cả thịt vịt, thịt vịt xiêm (ngan), nhưng không mấy thành công.
+ "Bánh phở", theo truyền thống, được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi.
+ Nước dùng (nước lèo) nói chung được làm bằng việc hầm (người Bắc gọi là ninh) xương bò, thịt dùng cho món phở là thịt bò hoặc gà, khô mực và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương, hành khô, tôm nõn, tôm he, địa sâm khô, đuôi bò, hạt ngò gai (mùi),...Công thức của từng loại nước dùng cụ thể cho từng hiệu phở được giữ khá bí mật.
+ Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, phở được bày biện với những thành phần phụ gọi là rau thơm như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở.
Nhà văn Thạch Lam viết trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ". Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối...." Không chỉ có ở Việt Nam, món ăn này cũng xuất hiện trên bản đồ ẩm thực thế giới khi các cửa hàng phục vụ phở xuất hiện tại nhiều quốc gia như Singapore, Mỹ, Anh...
3. Bún Bò Huế
Cùng với phở, bún bò Huế không chỉ là món ăn sáng mà còn có thể thưởng thức vào bất kỳ bữa nào trong ngày. Bún bò Huế là đặc sản nổi tiếng của người miền Trung. Bạn có thể thưởng thức món ăn này khắp 3 miền. Bún bò Huế xưa ra đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16). Tương truyền, xưa có cô Bún xinh đẹp, giỏi giang, thạo nghề làm bún. Tại làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cô Bún đã sáng tạo ra cách chế biến một món ăn mới: Lấy thịt bò nấu thành nước dùng cho món bún. Từ đó, món bún bò ra đời, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Đến nay, bún bò Huế đã được cải biên với sự có mặt của nhiều nguyên liệu khác như giò heo, tiết lợn, chả cua,...
Một tô bún bò chuẩn vị Huế sẽ gồm sợi bún, thịt bò, tiết heo, chả cua và nước dùng. Nguyên liệu làm bún là bột gạo pha với bột lọc theo tỷ lệ chuẩn để sợi bún có độ dai vừa phải. Thịt bò được chọn là phần bắp chân trước, nạm bò hoặc bắp hoa màu đỏ tươi, mỡ bò màu vàng nhạt. Chả cua màu vàng cam bắt mắt được làm từ gạch và thịt cua xay nhuyễn với vị béo, bùi tự nhiên. “Linh hồn” của món bún bò xứ Huế chính là nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương ống bò nên có vị ngọt đậm đà. Ngoài ra, người ta còn thêm vào nước dùng chút mắm ruốc và sả để dậy mùi thơm nồng hấp dẫn.
Một tô bún bò Huế ngon, chuẩn vị đất cố đô phải có hương thơm hấp dẫn. Tô bún có sắc cam của dầu điều, sắc nâu của thịt bò, tiết lợn và sắc xanh của hành, mùi, thêm chút giá đỗ thanh mát. Món bún với đủ vị cay, ngọt, bùi đã thực sự làm “xiêu lòng” thực khách.
Trong khi bánh mì và phở là những cái tên đã khá "nhẵn mặt" trong nhiều bảng xếp hạng ẩm thực thì bún bò Huế cũng là món ăn không hề kém cạnh cả về hương vị lẫn mức độ nổi tiếng. Trước đó, bún bò Huế đã được công nhận là kỷ lục Châu Á, nằm trong top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực Châu Á do Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận. Khi không thể đi du lịch ngay bây giờ, bạn có thể tìm hiểu thêm về những món ăn sáng ngon nhất Châu Á này!
· Liên hệ với chúng tôi:
+ HotLine: 0815168166
+ Email: travel@tiimtravel.com
+ Website: https://tiimtravel.vn